Nghỉ hè, anh chị bàn đưa thằng nhỏ về ở với ngoại.
Với chị, thời gian ở với ngoại là một tài sản. Tài sản của chị là những đêm nằm trong tay bà ngoại nghe kể chuyện đời xưa cùng tiếng võng đưa kẽo kẹt và tiếng quạt nan xua muỗi, là những chiều ra đồng thả diều cùng ông ngoại và nỗi tiếc đứt ruột khi con diều đứt dây rơi xuống cánh đồng bên kia sông. Ông ngoại bảo dù diều bay cao đến đâu vẫn cần một sợi dây từ dưới đất... Con không thể bay cao, bay xa nếu không giữ cho mình một sợi dây để nối với gia đình, nguồn cội, với mảnh đất nơi ta sinh ra...
Ở phố, thằng nhỏ học bán trú cả ngày, chiều về cơm nước rồi ôm tivi. Chị sợ con lớn lên mà chưa một lần tự tay... bắt dế, chưa một lần tự làm đồ chơi cho mình. Chị ghét khi phải bỏ ra dù chỉ 2.000 đồng để mua con cào cào thắt bằng lá dừa được bày bán ở cổng trường, hay những con diều màu sắc sặc sỡ bay chấp chới ở vài đồng diều hiếm hoi của thành phố. Chị ghét nốt cái hộp đất sét màu mua ở nhà sách...
Anh đồng cảm với chị. Xa nhau chỉ ba tháng hè, thời gian vùn vụt trôi, rồi thằng nhỏ sẽ về. Còn vì một điều mà anh cứ tủm tỉm cười. Ngay đêm đầu tiên không có thằng nhỏ ở nhà, anh nháy mắt với chị: "Bắt đầu ba tháng trăng mật nhé!".
Ngày đầu tiên anh đón chị ở cổng cơ quan rồi đưa chị đi ăn... bò bía trước một cổng trường. Rồi anh chị chở nhau đi xem phim. Toàn là phim "bom tấn" mùa hè. Chị chiều anh chọn đại một phim để rồi suốt buổi xem phim chị cứ nghe tiếng mình vừa nấu cơm vừa cằn nhằn thằng con mê siêu nhân không chịu đi tắm...
Mấy ngày tiếp theo, cà phê, bạn bè, nhà sách... Chỗ nào đông vui là vợ chồng kéo vô. Không nói thành lời nhưng không ai muốn về nhà. Thằng nhỏ, tự bao giờ, đã là thứ ánh sáng tràn khắp, chan hòa; là năng lượng cho bình an, ấm cúng gia đình. Mở đèn lên khi đêm về, ánh sáng vươn tới đâu nỗi nhớ lấp đầy nơi đó. Có khi bật tivi gặp phim hoạt hình, anh vội chuyển kênh mà nghe như có tiếng thằng con tha thiết năn nỉ: "Ba, con xem chút xíu thôi mà!". Chị nấu cơm thì thoải mái bỏ hành tiêu tỏi ớt. Cay xé lưỡi, nước mắt chị chực trào vì nghe tiếng hít hà của anh mà cứ thấy thằng nhỏ đang ngồi trước mắt mình cũng hít hà, đổ "mồ hôi râu" ráng ăn cho nó "đàn ông"!
Trưa thứ sáu chị trốn việc cơ quan, một mình đón xe đò về quê. Phải về ngay thôi, không thể chờ anh thêm được nữa. Mẹ chị nói hai ông cháu đang ở bãi sông. Chị tháo giày, băng ngang cánh đồng phía trước nhà lao ra cái bãi sông đã tắm mát thời thơ ấu chị. Chị chạy theo tiếng cười giòn tan của hai ông cháu đang theo hướng gió vọng tới. Tiếng cười trộn lẫn tiếng xe gắn máy quen quen. Chị quay lại. Anh!
Ba chị đang tập thằng nhỏ bơi. Bơi chó, kiểu bơi bản năng nhất mà cũng xấu tướng nhất. Nhưng bây giờ đó là kiểu bơi đẹp nhất mà anh chị từng thấy.
Ba tháng hè rồi cũng sẽ qua, phải quyết tâm thôi. Con diều của con rồi sẽ bay cao, ngay từ bãi sông này.
Với chị, thời gian ở với ngoại là một tài sản. Tài sản của chị là những đêm nằm trong tay bà ngoại nghe kể chuyện đời xưa cùng tiếng võng đưa kẽo kẹt và tiếng quạt nan xua muỗi, là những chiều ra đồng thả diều cùng ông ngoại và nỗi tiếc đứt ruột khi con diều đứt dây rơi xuống cánh đồng bên kia sông. Ông ngoại bảo dù diều bay cao đến đâu vẫn cần một sợi dây từ dưới đất... Con không thể bay cao, bay xa nếu không giữ cho mình một sợi dây để nối với gia đình, nguồn cội, với mảnh đất nơi ta sinh ra...
Ở phố, thằng nhỏ học bán trú cả ngày, chiều về cơm nước rồi ôm tivi. Chị sợ con lớn lên mà chưa một lần tự tay... bắt dế, chưa một lần tự làm đồ chơi cho mình. Chị ghét khi phải bỏ ra dù chỉ 2.000 đồng để mua con cào cào thắt bằng lá dừa được bày bán ở cổng trường, hay những con diều màu sắc sặc sỡ bay chấp chới ở vài đồng diều hiếm hoi của thành phố. Chị ghét nốt cái hộp đất sét màu mua ở nhà sách...
Anh đồng cảm với chị. Xa nhau chỉ ba tháng hè, thời gian vùn vụt trôi, rồi thằng nhỏ sẽ về. Còn vì một điều mà anh cứ tủm tỉm cười. Ngay đêm đầu tiên không có thằng nhỏ ở nhà, anh nháy mắt với chị: "Bắt đầu ba tháng trăng mật nhé!".
Ngày đầu tiên anh đón chị ở cổng cơ quan rồi đưa chị đi ăn... bò bía trước một cổng trường. Rồi anh chị chở nhau đi xem phim. Toàn là phim "bom tấn" mùa hè. Chị chiều anh chọn đại một phim để rồi suốt buổi xem phim chị cứ nghe tiếng mình vừa nấu cơm vừa cằn nhằn thằng con mê siêu nhân không chịu đi tắm...
Mấy ngày tiếp theo, cà phê, bạn bè, nhà sách... Chỗ nào đông vui là vợ chồng kéo vô. Không nói thành lời nhưng không ai muốn về nhà. Thằng nhỏ, tự bao giờ, đã là thứ ánh sáng tràn khắp, chan hòa; là năng lượng cho bình an, ấm cúng gia đình. Mở đèn lên khi đêm về, ánh sáng vươn tới đâu nỗi nhớ lấp đầy nơi đó. Có khi bật tivi gặp phim hoạt hình, anh vội chuyển kênh mà nghe như có tiếng thằng con tha thiết năn nỉ: "Ba, con xem chút xíu thôi mà!". Chị nấu cơm thì thoải mái bỏ hành tiêu tỏi ớt. Cay xé lưỡi, nước mắt chị chực trào vì nghe tiếng hít hà của anh mà cứ thấy thằng nhỏ đang ngồi trước mắt mình cũng hít hà, đổ "mồ hôi râu" ráng ăn cho nó "đàn ông"!
Trưa thứ sáu chị trốn việc cơ quan, một mình đón xe đò về quê. Phải về ngay thôi, không thể chờ anh thêm được nữa. Mẹ chị nói hai ông cháu đang ở bãi sông. Chị tháo giày, băng ngang cánh đồng phía trước nhà lao ra cái bãi sông đã tắm mát thời thơ ấu chị. Chị chạy theo tiếng cười giòn tan của hai ông cháu đang theo hướng gió vọng tới. Tiếng cười trộn lẫn tiếng xe gắn máy quen quen. Chị quay lại. Anh!
Ba chị đang tập thằng nhỏ bơi. Bơi chó, kiểu bơi bản năng nhất mà cũng xấu tướng nhất. Nhưng bây giờ đó là kiểu bơi đẹp nhất mà anh chị từng thấy.
Ba tháng hè rồi cũng sẽ qua, phải quyết tâm thôi. Con diều của con rồi sẽ bay cao, ngay từ bãi sông này.
TRƯƠNG GIA HÒA