Wednesday, July 11, 2007

Những tình huống trớ trêu nhất kỳ thi ĐH 2007

Tình huống hài hước nhất kỳ thi ĐH 2007 Có lẽ đó chính là trường hợp của thí sinh thi vào ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Không dám ra mặt phản đối việc gia đình cứ ép mình phải dự thi ĐH, thí sinh này đánh lạc hướng bằng cách vẫn đi dự thi như thường nhưng sau đó trốn vào nhà vệ sinh trong khu vực thi để ngồi, suy ngẫm và tranh thủ nghỉ ngơi đợi hết giờ thi. "Âm mưu" này bị phá sản và em đã suýt bị công an bảo vệ trường thi bắt vì nghi vấn gian lận!
Dưới đây là tổng hợp của Dân trí về 6 tình huống tạm coi là trớ trêu nhất trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2007:

1. Điện thoại “phản chủ”

Tại Hội đồng thi của ĐH Thương mại, TS Bùi Xuân Nhạ, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã rất ngậm ngùi khi phải quyết định đình chỉ một thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi trong một tình huống rất oái oăm: Chiếc điện thoại di động đã bình yên trong túi quần thí sinh và lẽ ra nó cũng sẽ bình yên cùng “khổ chủ” để rời khỏi phòng thi nếu như không gặp phải một cơn gió làm bay tờ giấy thi và thí sinh đó đã tiện tay rút điện thoại lên để... chặn bài. Dù điện thoại tắt nhưng biên bản vẫn phải lập vì quy chế là quy chế!

Còn ở ĐH Ngoại thương, có trường hợp thí sinh đã nộp bài. Cứ tưởng thế là... xong. Ngay trong phòng thi, thí sinh này đã vô tư rút điện thoại trong túi ra gọi khoe với người thân rằng mình làm bài rất ổn!

Điện thoại “phản chủ” là một trong những lý do khiến thí sinh bị đình chỉ thi nhiều nhất. Tại An Giang, một thí sinh bị phát hiện có chuông điện thoại đổ ngay trong những phút cuối làm đề thi. Cuộc điện thoại oan nghiệt này là do gia đình chờ ngoài sốt ruột quá nên gọi điện thoại... hỏi thăm!

2. Loạn máy tính điện tử cầm tay

FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS và FX 570 MS... có tới 14 loại máy tính điện tử cầm tay được phép mang vào phòng thi được niêm yết theo danh sách chính thức. Dù vậy, tranh cãi vẫn nổ ra giữa sĩ tử và giám thị khi giám thị luôn ngờ ngợ... nghi và sẵn sàng tước quyền sử dụng loại công cụ tối ích này của thí sinh ngay lập tức.

Chẳng hạn như tại cụm thi Quy Nhơn, phòng thi 01, điểm thi Trường THCS Lương Thế Vinh (26 Lê Quý Đôn), thí sinh Lê Thị Diệu Hiền (SBD: NLSA-47343, thi vào Trường Đại học Nông lâm TPHCM) đã bị “quản thúc” khi chiếc máy FX 570 ES bị giám thị phòng thi quả quyết nhận định là “vật cấm” nên thu lại. Báo hại Diệu Hiền đã phải cùng 3 thí sinh khác giải bài bằng hình thức... tính nhẩm!

3. Khi giám thị và thí sinh cũng... nghễnh ngãng

Sáng buổi thi môn Toán 4/7, tại điểm thi THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh) khi đã làm bài thi được một thời gian ngắn, một giám thị ở phòng thi 188 yêu cầu các thí sinh nộp những tờ giấy nháp mang từ bên ngoài vào. Một thí sinh nghe không rõ đã nộp tờ giấy thi số 1 của mình, còn giám thị đang đà xử lý giấy nháp nên đã dùng bút đỏ gạch chéo giữa bài thi của thí sinh này.
Cuối buổi thi, thí sinh mới nhớ ra tờ giấy thi số 1 của mình và mới “ngã ngửa” người vì biết tờ giấy đã “được” khai tử. Sau một hồi khiếu nại, cuối cùng sự việc cũng được giải quyết khá êm đẹp khi bài thi được niêm phong và sẽ chấm công khai.
Số giám thị xử lý kỷ luật trong kỳ thi này vì những lỗi “nghễnh ngãng” như trên cũng phải kể đến con số... vài chục. Nào là do đeo nhầm phù hiệu như ở ĐH Luật Hà Nội, bóc đề thi sớm trước 5 phút ở ĐH Cần Thơ, ĐH Văn hoá TPHCM, lang thang ngoài hành lang như một giám thị ở một hội đồng tuyển sinh của Bộ Quốc phòng...

4. Quá “tiết kiệm” nên... khổ

Tại nhiều hội đồng tuyển sinh, Ban chỉ đạo luôn tính toán sao cho khỏi lỗ nhất vì sợ thí sinh ảo. Như tại ĐH Kinh tế quốc dân, năm nào trường cũng chỉ nhất quyết đi thuê phòng và in đề chỉ cho nhiều nhất là 80% thí sinh trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi. May mắn là năm nay, trường này không có sự cố gì vì số thí sinh dự thi tại trường chỉ đạt có trên 60%.
Nhưng may mắn kiểu như vậy lại không đến với ĐH Y Dược TPHCM và trong chiều 9/7, do lượng thí sinh tăng đột biến nên một số điểm thi của trường... thiếu đề thi cục bộ.
Chủ tịch Hội đồng thi đành quyết định dừng thời gian bóc đề chậm 15 phút so với thời gian quy định để điều động đề thi từ nơi này qua nơi khác, mang đề thi dự trữ đến.

5. Phép vua thua lệ làng

Mặc dù quy chế của Bộ GD- ĐT đã ghi rất rõ cấm mọi phương tiện thu phát trong khu vực diễn ra thi. Nhưng tại điểm thi THCS Nguyễn Công Trứ (của hội đồng thi Trường ĐH Hoa Sen, TPHCM) một công an làm nhiệm vụ bảo vệ kỳ thi vẫn mang điện thoại di động bên người với lý do là văn bản của Công an quận Gò Vấp cho phép cán bộ mang điện thoại di động vào khu vực thi!
Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng - Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT TPHCM cho biết: “Bộ GD-ĐT đã phải có ý kiến với Công an TPHCM để có cách giải quyết tốt nhất”.

6. “Xỉu” vì thời trang

Trong 4 ngày thi, do thời tiết quá nắng nóng cộng với tâm lý dự thi cực kỳ căng thẳng, nhiều thí sinh đã xỉu ngay trong khi làm bài nên phải bỏ dở giữa chừng. TPHCM là nơi tập trung nhiều thí sinh bị xỉu nhất.
Trường CĐ Kỹ thuật TPHCM có hai thí sinh phải xuống phòng y tế trong giờ thi. Một thí sinh phải nghỉ 30 phút mới quay trở lại phòng thi. Thí sinh còn lại mất đến 1 giờ đồng hồ để nghỉ.
Một thí sinh nam thi tại trường ĐH Tây Nguyên chỉ làm bài được khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó vì lý do sức khoẻ, em đã phải nghỉ ngơi tại phòng y tế cho đến hết giờ làm bài. Một thí sinh thi Trường ĐH Y Dược TPHCM bị ngất xỉu phải đi cấp cứu tại Trung tâm y tế Quận 6....
Nhưng cũng có thí sinh đã xỉu chỉ vì... thời trang như trường hợp của thí sinh Bích Uyên (Vĩnh Long), bị ngất xỉu tại điểm thi trường Lương Thế Vinh, TP Cần Thơ. Nguyên nhân chính là do em mặc áo bó quá nên... ngạt. Trước khi vào phòng thi, Bích Uyên đã than với bạn rằng rất khó chịu vì áo chật quá!

M.M (tổng hợp)

Slogan (3)

1. HBO


Khán giả mê phim hẳn không còn xa lạ gì với kênh HBO cùng với câu slogan rất ấn tượng “HBO- Đơn giản là hay nhất (HBO-simply the best)”. Nếu bạn ghiền phim trên HBO đến nỗi đi đâu cũng vội vàng quay về với nó, bạn sẽ thấy câu slogan đó không phải là một cách nói phóng đại để câu khách.Hơn 30 năm kinh nghiệm với 57 triệu thuê bao trên toàn thế giới, HBO được xem là anh cả trong danh sách “con đàn cháu đống” các kênh phim trên tòan thế giới. Những phim hoành tráng nhất vừa được các rạp chiếu phim quảng cáo rầm rộ, ít lâu sau bạn sẽ tha hồ nghiền ngẫm chúng trên HBO và chỉ trên HBO mà thôi, các kênh phim nổi tiếng khác chỉ có thể chiếu lại các phim “độc” này sau HBO một vài tháng. HBO tấn công bạn bằng chiêu thức “3 nhất”: hay nhất -mới nhất- và độc nhất .
Và để bạn thích HBO - đó là một kênh không bao giờ chèn quảng cáo. Bạn sẽ tự do “Tư duy phim ảnh - Tư duy lớn - Tư duy HBO” ("Think movies - Think big - Think HBO") như câu slogan thứ hai vẫn thường được các bạn trẻ thuộc làu.
2. Ý tưởng nảy sinh tình cờ của Doanh nhân trẻ khởi nghiệp

Bata&Pota và câu slogan đáng yêu:
"Khoai ăn khoái, khoái ăn khoai",
Bạn có thấy lạ không khi nghe khẩu hiệu này? Đó chính là slogan của cửa hàng bán khoai lang, khoai tây "Bata&Pota" nhỏ nhắn, xinh xắn, ngập tràn màu xanh lá chuối non tơ, tọa lạc tại số 49A, Nguyễn Quang Bích, P.13, Q.Tân Bình, do hai cô chủ Võ Thị Thịnh - cựu sinh viên (K6), khoa Du Lịch, trường ĐHDL Văn Lang cùng với người bạn tên Hồng Gấm thành lập. Ý tưởng khá độc đáo này đồng thời cũng là dự án đạt giải nhất tại cuộc thi "Doanh nhân trẻ khởi nghiệp" (do CLB MFO miền Nam - Diễn đàn giải pháp trực tuyến chương trình Làm giàu không khó tổ chức).

10 ý tưởng PR sáng tạo


Theo Bwportal
Thứ ba, 22/05/2007


Trên con đường hướng tới thành công, mọi Công ty đều cần những chiếc xe “giao tiếp cộng đồng” (Public relations - PR) hiệu quả nhất và có tốc độ nhanh nhất. Nhiều Công ty rất muốn chạm đến những thành công đó, nhưng họ không biết cỗ xe PR nào hiệu quả đối với mình. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo 10 ý tưởng sáng tạo dưới đây để có được một kết quả PR như mong muốn, giúp bạn quảng bá danh tiếng của Công ty mình, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh.

1. Tạo ra các sự kiện, ngày kỷ niệm

Vào năm 1991, khi đang giảng dạy bộ môn kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh, Jacqueline Whitmore, thành viên sáng lập kiêm Giám đốc Trường Lễ tân và Ngoại giao Palm Beach tại Florida, thường xuyên được các học viên hỏi về phép xã giao liên quan đến điện thoại di động. “Tôi đã nhận thấy cần phải làm rõ vấn đề này”, Whimore kể lại, “nên tôi quyết định tạo ra một sự kiện đặc biệt nào đó giúp họ tìm hiểu kỹ hơn”. Bà đã đăng ký một ngày lễ mới vào Lịch trình tổ chức các sự kiện Chase (một lịch trình được giới doanh nghiệp và truyền thông Mỹ sử dụng, bao gồm cả những ngày lễ truyền thống và những ngày lễ mới được đặt ra). Vào tháng 7/2002, Tháng xã giao điện thoại di động quốc gia đã chính thức được tổ chức, và Jacqueline có được danh tiếng trong công chúng quốc gia cũng như địa phương, đồng thời bà còn có được nhiều khách hàng mới. Nếu muốn, bạn cũng có thể làm như Jacqueline: đăng ký một ngày lễ mới tại địa chỉ trang web http://www.chases.com/.

2. Viết sách

Các khách hàng tiềm năng luôn ngưỡng mộ tác giả của những cuốn sách, thậm chí cả khi cuốn sách của họ có lượng bản in không lớn lắm. Trên thực tế, khi viết một cuốn sách, bạn đã thể hiện cho khách hàng thấy bạn là người có kiến thức sâu rộng và đáng tin cậy. Thêm vào đó, bạn có thể bán cuốn sách của mình hay sử dụng nó như sản phẩm đính kèm - điều có tác dụng lan toả rất lớn đối với tên tuổi và danh tiếng của bạn. Chưa kể tác giả cuốn sách thường sẽ là nguồn phỏng vấn ưa thích của các đài phát thanh, truyền hình.

3. Giành một giải thưởng kinh doanh

Nếu bạn nghĩ rằng việc giành được một giải thưởng kinh doanh là vô cùng khó khăn, thì chắc chắn bạn sẽ không có đủ khả năng để tham gia cuộc chạy đua. Nhiều giải thưởng kinh doanh được giới truyền thông tài trợ, nên đây sẽ là cơ hội tốt để giới thiệu tên tuổi người chiến thắng và viết nên những câu chuyện về họ. Bạn thấy không, đây quả là một cơ hội PR tuyệt vời. Khi đạt được giải thưởng, bạn có thể công bố với các khách hàng hiện tại và tiềm năng trên trang web hay trên các tài liệu tiếp thị như một cách khẳng định vị trí của bạn trên thị trường.

4. Tham gia vào các chương trình truyền hình phổ biến

Gần đây, Wes Moss, nhà tư vấn tài chính và cũng là người từng tham gia Chương trình truyền hình nổi tiếng ở Anh có tên The Apprentice (Người học việc), đã viết cuốn sách Starting from Scratch (Bắt đầu từ vạch xuất phát) khá ăn khách. Quả thật, nếu Wes không là “người thật việc thật” có mặt trong chương trình truyền hình The Apprentice, thì có lẽ cuốn sách của ông không được nhiều người biết đến như vậy. Giờ đây, với một cuốn sách được xuất bản, danh tiếng của ông trở nên nổi như cồn.

5. Tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn miễn phí

Jacqueline Bonfiglio-Naja, nhà thẩm mỹ học và là Chủ tịch Công ty Jacqueline chuyên về các giải pháp chăm sóc da tại North Dartmouth, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo miễn phí với chuyên đề chăm sóc da tại nhiều địa phương khác nhau từ nhiều năm nay. “Qua các buổi hội thảo, mọi người biết đến tôi nhiều hơn. Từ đó, tôi có thêm các khách hàng mới và cộng đồng cũng đánh giá tôi cao hơn”, Jacqueline cho biết.

6. Thiết lập hệ thống thư tin tức điện tử (electronic newsletter)

Jeffrey Gitomer North Carolina, một chuyên gia bán hàng, luôn có trên 100 ngàn người trong danh sách khách hàng nhận bản tin gửi qua thư điện tử hàng tuần của ông. Đây là một công cụ PR vô cùng hiệu quả, đảm bảo tên tuổi của ông luôn hiện diện trong trí nhớ của khách hàng hiện tại và tiềm năng. Ngoài ra, ông còn có thể quảng bá dịch vụ của mình trong các thư này và kết quả là chúng đã trực tiếp đem về cho ông hơn nửa triệu USD doanh thu mỗi năm.

7. Tận dụng khách hàng của các công ty khác

Hợp tác trong hoạt động kinh doanh và liên kết các khu vực bán hàng với các Công ty khác luôn là một giải pháp khôn khéo. Mỗi Công ty đều có thể có được nhiều ích lợi từ khách hàng của những công ty khác, vì khách hàng của công ty mà bạn liên kết có thể biết về Công ty bạn nhiều hơn. Ví dụ: Cửa hàng bánh ngọt We Take the Cake tại Ft. Lauderdale, Florida, đã mở một quầy hàng nhỏ trong khu vực trưng bày của Công ty bán hoa Field of Flowers địa phương, nơi khách hàng mua hoa sẽ được tiếp thị bánh ngọt và ngược lại. Việc sản phẩm của bạn hiện diện hữu hình sẽ gia tăng đáng kể cơ hội có được ngày một nhiều khách hàng mua sắm sản phẩm, dịch vụ của bạn hơn.

8. Tham gia vào các tổ chức thương mại địa phương

Vài năm trước đây, Barb Friedman, một nhà tổ chức chuyên nghiệp, chủ tịch hãng Organize IT, đảm nhiệm cương vị chủ tịch Hiệp hội các nhà tổ chức chuyên nghiệp quốc gia. Vào thời điểm đó, trên chương trình The Dr. Phil Show đang bàn về câu chuyện “nhà nội trợ tồi nhất nước Mỹ” với nhân vật chính là một phụ nữ có lối sống rất thiếu tổ chức. Với tư cách là chủ tịch Hiệp hội các nhà tổ chức chuyên nghiệp quốc gia, Barb có đủ lý lẽ và điều kiện để liên hệ tham gia vào chương trình này. Từ đó kết quả kinh doanh cùng danh tiếng của bà đã gia tăng đáng kể.

9. Tạo ra một tranh luận rắc rối

Đã 4 năm trôi qua, kể từ khi Land of Odds, một Công ty chế tác ngọc trai tại Nashville, Tennessee, tổ chức Cuộc tranh luận hàng năm về chuỗi hạt ngọc xấu nhất. Cuộc bàn cãi vô tiền khoáng hậu này đã đem lại cho công ty sự nổi tiếng trong công chúng từ năm này qua năm khác. Như vậy, việc tạo ra một cuộc tranh luận với những rắc rối khó giải đáp sẽ giúp hoạt động kinh doanh của bạn trở nên đặc biệt trên thị trường, đồng thời thu hút nhiều sự chú ý của công chúng đến với sản phẩm, dịch vụ của bạn.

10. Làm công tác xã hội

Hãy nghĩ về công việc xã hội như một sự đầu tư, qua đó biểu lộ tài năng và tên tuổi của bạn tới các khách hàng tiềm năng. Khi đại lý quảng cáo Colle+McVoy, Minnesota, thực hiện các công việc xã hội và quyên góp cho Quỹ môi trường tại St. Paul, Minnesota, hãng đã nhận được ngày một nhiều hơn các hồi âm tích cực từ khía cộng đồng. Thậm chí hãng còn được mời cộng tác với Văn phòng trợ giúp môi trường bang Minnesota. Ai nói công việc này là không hiệu quả?

10 ý tưởng PR sáng tạo mà chúng tôi giới thiệu trên đây có thể rất hữu ích và phù hợp đối với bất cứ loại hình kinh doanh nào. Việc áp dụng một hoặc một vài ý tưởng trên sẽ giúp bạn gia tăng danh tiếng của bản thân và cùng với đó là mức độ thành công trong kinh doanh mà bạn xứng đáng có được.

Theo Theo Bwportal
Slogan (2)
khẩu hiệu thương mại, nguyên nghĩa cổ là tiếng hô trước khi xung trận của những chiến binh Scotland. Ngày nay trong thương mại, slogan được hiểu như là khẩu hiệu thương mại của một công ty. Slogan thường được coi là một phần tài sản vô hình của công ty dù rằng nó chỉ là một câu nói.
Để có được một slogan hay, ngoài việc đầu tư về chất xám còn phải có sự đầu tư về quảng cáo liên tục với những chiến lược dài hạn. Chính vì vậy, khi có được một slogan đứng được trong tâm trí khách hàng, slogan đó đã trở thành một tài sản vô giá được vun đắp bằng thời gian, tiền bạc và uy tín của công ty.

Một slogan hay phải hội tụ được một số yếu tố :

Thứ nhất là mục tiêu. Một slogan khi được tung ra phải mang một mục tiêu nhất định và hướng đến mục tiêu đó. Ví như khi Pepsi ra đời thì Coca Cola đã là một người khổng lồ trong ngành giải khát rồi. Muốn phát triển được thì phải có một slogan nhắm đến một mục tiêu là lấy lại được thị phần từ Coca Cola. Hãng nước giải khát Pepsi đã lấy slogan là: "Generation Next" (Thế hệ tiếp nối), ý nói đó là một loại nước uống của thế hệ mới và ngầm ý chê bai đối thủ trực tiếp Coca Cola là loại đồ uống cổ lỗ sĩ. Với slogan hay mang trong mình mục tiêu rõ ràng là đánh vào khách hàng trẻ tuổi, Pepsi đã thu hút được phần đông giới trẻ và vươn vai trở thành một đối thủ đáng gờm của Coca Cola.

Thứ hai là ngắn gọn. Một slogan hay luôn phải là một slogan ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đọc. Với nhiệm vụ phải đi vào tiềm thức của khách hàng, không ai đi xây dựng một slogan dài dằng dặc đầy đủ toàn bộ về tính năng, tác dụng, đim ưu việt của sản phẩm cả, bởi khách hàng sẽ chẳng ai bỏ công đi nhớ một slogan dài lõng thõng như vậy. Cà phê Trung Nguyên đã phải bỏ slogan dài cũ: "Mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới" bằng "Khơi nguồn sáng tạo". Quả thực slogan sau ngắn gọn, ấn tượng và dễ nhớ hơn nhiều.

Thứ ba là không phản cảm. Slogan phải tuyệt đối tránh những từ ngữ có thể gây phản cảm hoặc xúc phạm đến người khác cho dù đó chị là một bộ phận khách hàng rất nhỏ. Nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh DHL đã từng mắc lỗi này khi tung ra một slogan gây một ấn tượng không tốt: "Đến chậm gậm xương".

Thứ tư, cần nhấn mạnh vào lợi ích sản phẩm. Slogan phải thể hiện được tính năng và lợi ích khi khách hàng sử dụng sản phẩm. Ví như: "Connecting People" (Kết nối mọi người) của hãng điện thoại di động Nokia hay "Luôn luôn lắng nghe. Luôn luôn thấu hiểu" của hãng bảo hiểm quốc tế Prudential.

Tuy nhiên những điều kiện trên chỉ là những điều kiện cơ bản. Một slogan thành công phải mang trong mình thông điệp ấn tượng và khơi gợi được trí tưởng tượng của khách hàng về sản phẩm của mình. Hãng đồ thời trang quần áo lót phụ nữ Victoria Secret đã có một slogan rất hay bằng một câu hỏi: "What is sexy?" (Gợi cảm là gì?). Sản phẩm đồ thể thao của tập đoàn Nike cũng được cất cánh cùng với một slogan được đánh giá là thành công nhất mọi thời đại: "Just Do It!" (Hãy làm điều đó!).

Những doanh nghiệp thương mại ở nước ta chưa mấy có sự đầu tư quan tâm về slogan. Điều đó có thể dễ dàng thấy được là còn có quá ít công ty có slogan hay. Có công ty có slogan nhưng slogan đó còn chưa chuyên nghiệp. Thậm chí có công ty còn chưa có slogan. Xây dựng một slogan hay là một việc làm cần thiết của mỗi công ty trong quá trình thu hút khách hàng và hội nhập quốc tế hiện nay. Một số công ty nước ta đã có slogan khá thành công như slogan của Công ty Biti's: "Nâng niu bàn chân Việt". Tuy nhiên đó còn là số ít. Mong rằng trong tương lai gần, các công ty trong nước sẽ quan tâm nhiều hơn đến những tài sản vô hình của công ty như thương hiệu, logo và dĩ nhiên là cả slogan nữa.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam

Slogan hay không khó (1)

Khi DN quyết định chiến lược marketing của mình, họ sẽ sử dụng các thông tin quảng cáo và marketing để thực hiện chiến lược đó, và slogan là một trong những cách để thực hiện chiến lược của DN.

Quan trọng hơn, slogan phải thể hiện được phương châm kinh doanh của cty hoặc mục tiêu của sản phẩm, dịch vụ mà cty đưa ra trên thị trường. Việc xây dựng slogan do vậy có muôn vàn cách thức khác nhau. Một slogan thành công phải mang trong mình thông điệp ấn tượng, khơi gợi được trí tưởng tượng, những ấn tượng đẹp về thương hiệu, và truyền tải một cách hiệu quả chiến lược kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ của DN đến khách hàng.

Dưới đây là những yếu tố để tạo nên một slogan hay:

1. Dễ nhớ: Mức độ dễ nhớ phải bao hàm cả sự súc tích, có thể dễ dàng nhớ đến mà không cần một công cụ trợ giúp nào. Slogan càng cộng hưởng với ý tưởng lớn càng dễ nhớ. Một câu khẩu hiệu hay nên nhắc đến tên thương hiệu (brand name); tốt nhất là slogan nên bao gồm cả brand name.

2. Nêu bật được lợi ích chính của sản phẩm.

3. Thể hiện được sự khác biệt và tính cạnh tranh của thương hiệu so với các đối thủ: "Heineken refeshes the parts that other beers cannot reach" (Heineken có thể làm được điều mà các hãng khác không thể làm được ).

4. Gợi nhớ được thương hiệu. Bạn quảng cáo để làm gì nếu tên thương hiệu không rõ? Hàng triệu USD đã bị bỏ phí chỉ vì lý do này. Nếu thương hiệu không bao gồm trong slogan thì tốt nhất phải có cách nào đó thể hiện rõ thương hiệu. Ví dụ như Nike, họ "dám" kết thúc nhiều mẫu quảng cáo của mình chỉ bằng một logo Nike.

5. Mang lại những cảm xúc tích cực về thương hiệu.

6. Không có nguy cơ bị đối thủ cạnh tranh "tái sử dụng hay mô phỏng". Rất nhiều câu khẩu hiệu không hề có sự khác biệt. Chẳng hạn câu "Đơn giản là tốt nhất", bạn có thể lấy câu khẩu hiệu này và gắn vào "một tá" thương hiệu… thì thấy vẫn "ổn".

7. Một khẩu hiệu hay nên thể hiện chiến lược của thương hiệu và cty: Nhiều cty đã thành công trong việc thể hiện chiến lược kinh doanh qua câu chữ. Chẳng hạn, "Lựa chọn tốt nhất cho cuộc sống của bạn".

Tú Anh - Theo powerfulslogan.wordpress.com

Từ ba lỗi thường gặp trong Marketing

Khi bạn đang triển khai một kế hoạch marketing, hãy chú ý ba vấn đề thường gặp sau đây:

1. Càng tiết kiệm, hiệu quả càng kém

Sai lầm này thường xảy ra đối với những doanh nhân muốn có một kế hoạch marketing lớn trong khi ngân sách dành cho nó lại quá nhỏ bé. Họ muốn mẩu quảng cáo của mình xuất hiện rầm rộ trên nhiều tờ báo, tạp chí và có mặt trong danh sách các sự kiện đặc biệt. Song với một ngân sách hạn chế, họ phải kết thúc nhanh chiến dịch quảng cáo. Kết quả là những mẩu quảng cáo, những chương trình khuyến mãi được thực hiện ngắn hạn khó đạt hiệu quả vì khó có tác động mạnh đối với người tiêu dùng. Vì vậy, toàn bộ ngân sách marketing sẽ bị lãng phí.
Khi quyết định chiến dịch quảng cáo với quy mô lớn và thường xuyên thì những quảng cáo lớn có hình ảnh 4 màu trên các tạp chí sẽ hiệu quả hơn những mẩu quảng cáo nhỏ bé chỉ với 2 màu đen trắng. Tương tự, những mẩu quảng cáo trên các trang web, hay các bảng quảng cáo cỡ lớn trên các tòa cao ốc cũng hiệu quả hơn những bảng quảng cáo bé xíu. Muốn có kết quả tốt nhất cho chương trình marketing, bạn phải chọn được kênh truyền thông thích hợp rồi tiếp tục kiên định với chiến dịch quảng cáo lớn và thường xuyên này.
Thay vì thực hiện những lần quảng cáo nhỏ, rải rác, ít được cộng đồng biết đến, bạn hãy tìm một hoặc hai chuyên gia “gánh vác” việc quảng bá hình ảnh công ty. Họ sẽ hoạch định các bước để tổ chức sự kiện nhằm phổ biến hình ảnh công ty bạn rỗng rãi.

2. Quá câu lệ những nguyên tắc

Đừng có tìm cách phá vỡ những nguyên tắc trong marketing, nhưng có thể thử làm ngược lại. Đôi khi sự phá vỡ các nguyên tắc sẽ đem lại kết quả ngạc nhiên vì không phải tất cả những nguyên tắc được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế đều làm nên một chương trình marketing hiệu qủa. Gần đây, một người nghiên cứu thị trường đã đưa ra một kết quả ảm đạm sau khi thăm dò trên mạng. Sai lầm gì đã được phát hiện? Những bài viết có độ dài 500 từ vốn được xem là hấp dẫn người đọc nhất lại đang làm họ chán ngán. Phát hiện điều này, các nguyên nhân liền đưa ra nguyên tắc mới: nội dung quảng cáo dài nhất sẽ không được quá 250 từ với một chủ đề rõ ràng, dễ hiểu và thuyết phục.
Hàng ngàn USD đã được các nhà kinh doanh đầu tư vào quảng cáo mỗi năm, dưới hình thức những chương trình nghiên cứu. Ví dụ, trả tiền để được biết người đọc tìm gì trong tạp chí và các tờ báo? Người đọc chú ý một hình ảnh hay một ý tưởng? Công ty thực hiện tất cả những công việc này là để nắm bắt tốt hơn khuynh hướng của người tiêu dùng. Trên cơ sở những thông tin mua được, các công ty có cơ sở để đưa ra chiến lược bán hàng, hay quảng cáo có hiệu quả. Thông thường, marketing không phải là công việc bắt buộc thực hiện bởi chính nhà quản lý doanh nghiệp. Nếu bạn không am tường về những nguyên tắc truyền thông, nhà quản lý doanh nghiệp hãy tìm đến các chuyên gia quảng cáo nhiều kinh nghiệm.

3. Chỉ hướng nội với các thông tin trong công ty

Một vài doanh nhân chỉ quanh quẩn với những tranh luận, hội thảo nội bộ, trong khi những người khác thì luôn luôn ngồi nghe, nhìn và học hỏi từ từng sự đổi thay đang xảy ra trong môi trường kinh doanh ở ngoài công ty. Ví dụ, thông qua việc đón nhận ý kiến của khách hàng, nghiên cứu, những đoạn băng ghi hình hoạt động thị trường, các doanh nhân này biết được sự xuất hiện các công nghệ mới, những yếu tố ảnh hưởng quá trình định giá…, nhờ đó kịp thời đoán trước được sự tuột giá hay tăng giá sắp xảy ra. Kết quả là họ bắt đầu định hình chiến lược marketing mới cho công ty, xúc tiến hoạt động bán hàng thích hợp hơn…
Những nhà doanh nghiệp tranh luận, hướng nội quá nhiều dễ rơi vào tự mãn. Họ chỉ có thể thực hiện những chiến thuật marketing cũ hoặc chờ đợi những doanh nhân khác bắt đầu các chiến thuật mới với những mục tiêu “béo bở” và họ sẽ bắt trước thay đổi chiến lược công ty mình, nhưng cuối cùng thì mãi mãi họ cũng chỉ là người đi sau. Đừng chăm chăm vào những hoạt động nội bộ của công ty, mà chịu khó thay đổi quan điểm, cụ thể là bằng cách theo sát những phản hồi của khách hàng thông qua điện thoại, các buổi hội họp, thư điện tử… Những thông tin này sẽ giúp ta có các phản ứng kịp thời trước sự chuyển biến của môi trường kinh doanh.
An Đà
(Theo www.entrepreneur.com )

Thương hiệu đại học: Bắt đầu từ sự trung thực

(Bà Marguerite. Ảnh: N.H. )

TT - Bà Marguerite J. Dennis - hiệu phó phụ trách chương trình hợp tác quốc tế của ĐH Suffolk (Boston, Mỹ) - đã có 40 năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng thương hiệu cho các trường ĐH ở Boston. Bà M. Dennis nhấn mạnh: ''Các trường ĐH không thể quảng cáo sai sự thật, chúng ta chỉ có thể nói những điều chúng ta có thể làm''.

* Thưa bà, đâu là những yếu tố làm nên thương hiệu Trường ĐH Suffolk - một ĐH tư hàng đầu ở Mỹ?

- Bà MARGUERITE J. DENNIS: Yếu tố thứ nhất là sản phẩm đào tạo, nói cụ thể đó là chương trình đào tạo của chúng tôi. Nó bao gồm hai yếu tố: năng động và tập trung vào tương lai. Yếu tố thứ hai là chúng tôi trân trọng SV của chúng tôi như những khách hàng có giá trị. Với SV VN đang học ở Suffolk, chúng tôi chăm sóc khiến họ xem Suffolk như ngôi nhà của mình. Ví dụ chúng tôi ăn mừng Tết Nguyên đán VN bằng cách tổ chức một cái tết như thật để họ không có cảm giác nhớ nhà. Đây là một phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu của chúng tôi. Chiến lược của chúng tôi là đối xử với SV - khách hàng của mình - bằng sự tôn trọng. Yếu tố thứ ba cũng rất quan trọng là chúng tôi có vị hiệu trưởng năng động và biết nhìn về tương lai.

* 40 năm làm việc xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực ĐH, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của bà: xây dựng thương hiệu ĐH khác xây dựng thương hiệu nói chung như thế nào?

- Trước hết chúng ta không bán những sản phẩm hữu hình như một chai Coca-Cola. Đặc trưng của chai Coca là màu đỏ và đó là điều người ta thấy được, sờ được, cảm giác được. Còn đối với giáo dục ĐH, đó là một dịch vụ vô hình, chúng ta không làm được những điều tương tự như Coca-Cola khi xây dựng thương hiệu. Do vậy mức độ khó của thương hiệu ĐH cao hơn. Chúng ta không thể làm thương hiệu một cách nhanh chóng được mà phải từ từ, phải xây dựng nó từng bước một.

Có thể xây dựng ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành một thương hiệu mạnh trong khu vực. Trong ảnh: SV ĐH Bách khoa - một trường thành viên - trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng

* Bà có cho rằng giáo dục là một thị trường không?

- Đó là thị trường lớn nhất. Mỗi năm thị trường giáo dục cả thế giới tạo ra 300 tỉ USD. Riêng tại Mỹ, ĐH là thị trường xuất khẩu đem lại lợi nhuận lớn thứ tư.

* Bà nghĩ sao khi gặp một quan niệm như thế này: không nên coi giáo dục là một thị trường, vì cách làm này biến công việc đào tạo con người thành một món hàng hóa và điều đó làm hư hỏng nền giáo dục. Những người có quan niệm này muốn rằng nhà nước phải đầu tư và nuôi nấng sự nghiệp giáo dục.

- Tôi chỉ có thể dẫn chứng về trường hợp ở thị trường ĐH Mỹ. Phần lớn các trường học ở Mỹ tồn tại đều dựa vào học phí. Hãy hình dung nếu chúng tôi không xem giáo dục là thị trường thì chúng tôi không thể tồn tại. Nhưng thị trường giáo dục có những tiêu chuẩn đạo đức riêng mà chúng ta nhất thiết quan tâm. Tiêu chuẩn thứ nhất là phải trung thực. Nếu trường ĐH nêu lên đây là điểm mạnh sẽ mang lại cho SV, anh không thể nói dối được, phải thật sự mang lại điều đó cho SV. Không thể có quảng cáo sai sự thật, tức là chúng ta chỉ nói những điều chúng ta có thể làm. Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta phải thuê những người có tư cách đạo đức để làm tiếp thị.

* Tiêu chuẩn đạo đức này bất cứ ngành nghề nào cũng cần, đâu phải chỉ riêng giáo dục?

- Tôi nói theo quan điểm riêng của tôi và trường ĐH của tôi. Tại Trường Suffolk và nhiều trường khác ở Mỹ, phòng tiếp thị và phòng tuyển sinh không phải là hai phòng tách biệt mà là một. Ở trường ĐH, tiếp thị không phải là trách nhiệm của riêng phòng tiếp thị mà phải là trách nhiệm của mọi người. Như vậy có nghĩa mọi người phải nói cùng một sự thật. Không giống như các công ty. Ở các công ty, phòng kinh doanh (sales) là kinh doanh, tiếp thị là tiếp thị. Và đôi khi hai nơi này không gặp nhau. Đây là điểm khác biệt.

* Thời gian ở VN, bà có thấy một thị trường giáo dục không?

- Tôi thấy rất có triển vọng. Chúng tôi đã chọn lựa ĐH Hoa Sen là đối tác VN đầu tiên, tôi sang VN là để ký kết hợp tác với ĐH Hoa Sen. Đương nhiên yếu tố thương hiệu của đối tác là vấn đề đầu tiên trong việc chọn lựa. Song trong quá trình hai năm làm việc trước khi ký thỏa ước với ĐH Hoa Sen, chúng tôi khám phá rằng tư duy lãnh đạo của ĐH Hoa Sen và ĐH Suffolk rất đồng điệu. Trong hợp tác, quan trọng nhất là yếu tố con người. Tôi hi vọng sắp tới sẽ có nhiều người VN đến Suffolk để học theo dạng trao đổi SV, dạng 2+2 (hai năm ở VN, hai năm ở Mỹ) hoặc học các bậc cao hơn như cao học, nghiên cứu sinh.

* Cụ thể, việc xây dựng thương hiệu ĐH tiến hành như thế nào?

- Trước tiên chúng ta phải xây dựng một chiến lược tiếp thị (marketing) dựa trên sức mạnh thật của trường ĐH đó. Kế hoạch tiếp thị này phải đồng điệu với kế hoạch chiến lược của trường. Điều thứ hai là trường ĐH đó phải dùng một hoặc hai thế mạnh của trường để truyền thông. Ví dụ như với Trường ĐH Hoa Sen, nếu tìm ra thế mạnh của mình chính là khả năng tìm kiếm việc làm dễ dàng cho SV thì đây là một điểm mạnh mà trường cần nhất quán trong thông điệp, tức là nó phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nếu Coca - Cola không có sự nhất quán trong việc dùng màu đỏ để nhận diện mà dùng màu xanh thì điều gì xảy ra? Người ta sẽ không nhận ra Coca - Cola nữa vì màu xanh là màu của Pepsi.

Theo Tuoi tre online
[ngày đưa : 25/12/06]

Sắc màu của tình bạn


Có một ngày sắc màu của thế giới này bắt đầu tranh luận với nhau xem ai có gam màu đẹp nhất, quan trọng nhất, hữu dụng nhất và được yêu thích nhất.

Xanh lá cây nói: "Tôi quan trọng nhất. Tôi là dấu hiệu của sự sống và hy vọng. Tôi được chọn màu cho cỏ cây, hoa lá. Không có tôi, tất cả mọi loài trên thế gian này sẽ không thể tồn tại. Cứ hãy nhìn về cánh đồng kia, bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn của tôi".

Xanh dương chen vào: "Bạn có nghĩ về trái đất. Vậy bạn hãy nghĩ về bầu trời và đại dương xem sao. Nước chính là nguồn sống cơ bản nhất, được tạo ra bởi những đám mây hình thành bởi những vùng biển rộng lớn này. Hơn nữa, bầu trời sẽ cho khoảng không rộng lớn, hòa bình và sự êm ả".

Màu vàng cười lớn: "Ôi các bạn cứ quan trọng hóa. Tôi thì thực tế hơn, tôi đem lạ tiếng cười, hạnh phúc và sự ấm áp cho thế giới này. Này nhé, mặt trời màu vàng, mặt trăng màu vàng và các vì sao cũng màu vàng. Mỗi khi bạn nhìn vào một đóa hướng dương, bạn sẽ cảm thấy cả thế giới này đang mỉm cười. Không có tôi cả thế giới này sẽ không có niềm vui".

Màu cam lên tiếng: "Tôi là gam màu của sự mạnh khoẻ và sức mạnh. Mặc dù lượng màu của tôi không nhiều bằng các bạn, nhưng tôi mới đáng giá nhất vì tôi là nhu cầu của sự sống. Tôi mang đến hầu hết các vitamin tối quan trọng như cà rốt, cam, xoài, bí ngô, đu đủ ...Tôi không ở bên ngoài nhiều nhưng khi bình minh hay hoàng hôn xuất hiện là màu sắc của tôi. Ở đây có bạn nào sánh kịp được với vẻ đẹp ấy không ?".

Màu đỏ không thể nhịn được cũng nhảy vào cuộc: "Tôi là máu, cuộc sống này là máu. Tôi là màu sắc của sự đe dọa nhưng cũng là biểu tượng của lòng dũng cảm. Tôi mang lửa đến cho con người. Tôi sẵn sàng chiến đấu vì mục đích cao cả. Không có tôi, trái đất này sẽ trống rỗng như mặt trăng. Tôi là sắc màu của tình yêu và đam mê, của hoa hồng đỏ, của hoa anh túc".

Màu tím bắt đầu vươn lên góp tiếng: "Tôi tượng trưng cho quyền lực và lòng trung thành. Vua chúa thường chọn tôi vì tôi là dấu hiệu của quyền năng và sự xuất chúng. Không ai dám chất vấn tôi. Họ chỉ nghe lệnh và thi hành!".

Cuối cùng, màu chàm lên tiếng, không ồn ào nhưng đầy quyết đoán: "Hãy nghĩ đến tôi. Tôi là sắc màu im lặng và hầu như không ai chú ý đến tôi. Nhưng nếu không có tôi thì các bạn cũng chỉ là vẻ đẹp bên ngoài. Tôi tượng trưng cho suy nghĩ và sự tương phản, bình minh và đáy sâu cả biển cả. Các bạn phải cần đến tôi để cân bằng cho bề ngoài của các bạn. Tôi chính là vẻ đẹp bên trong".

Và cứ thế các sắc màu cứ tiếp tục tranh luận, thuyết phục màu khác về sự trội hơn của mình. Bỗng một ánh chớp sáng lóe trên nền trời, âm thanh dữ dội của sấm sét và mưa bắt đầu nặng hạt. Các sắc màu sợ hãi đứng nép sát vào nhau để tìm sự ấm áp.
Mưa nghiêm nghị nói: "Các bạn thật là ngớ ngẩn khi chỉ cố gắng vật lộn với chính các bạn. Các bạn không biết các bạn được tạo ra từ một mục đính thật đặc biệt, đồng nhất nhưng cũng khác nhau? Các bạn là những màu sắc thật tuyệt vời. Thế giới này sẽ trở nên nhàm chán nếu thiếu một trong các bạn. Nào, bây giờ hãy nắm lấy tay nhau và bước nhanh đến tôi".Các màu sắc cùng nắm lấy tay nhau và tạo thành những màu sắc đa dạng. Mưa tiếp tục: "Và từ bây giờ, mỗi khi trời mưa tất cả các bạn sẽ vươn ra bầu trời bằng chính màu sắc của mình và phải hợp lại thành vòng để nhắc nhở rằng các bạn phải luôn sống trong hòa thuận, và ta gọi đó là cầu vồng. Cầu vồng tượng trưng cho niềm hy vọng của ngày mai".Và cứ như thế mỗi khi trời mưa, để gội rửa thế giới này, trên nền trời sẽ ánh lên những sắc cầu vồng làm đẹp thêm cho cuộc sống, để nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn tôn trọng lẫn nhau.

(Nguồn Internet)

Lời tỏ tình

Cô gái hỏi chàng trai :"Em có dễ thương không ?".
Chàng trai trả lời :"không ".
Cô gái bắt đầu khóc :" Em có dễ thương không ?".
Anh chàng vẫn đáp :" Không ".
Cô gái khóc sướt mướt:"Nếu em chết anh có buồn không ?".
Vẫn như hai câu trả lời trước anh chàng nói :" không".
Cô gái quá tuyệt vọng toan bỏ đi thì anh chàng níu tay cô ta lại và nói:"Anh không thích em bởi vì anh yêu em, em không dễ thương bởi vì em quá đẹp, nếu em chết anh cũng không buồn vì anh sẽ chết cùng em....."

Nguồn: lượm lặt
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768
Modified for 3-Column Layout by nhatbang